123 ngày 'cứu' cặp vệ tinh Trung Quốc

21/04/2025
|
0 lượt xem
Khoa Học Vũ Trụ
123 ngày 'cứu' cặp vệ tinh Trung Quốc

Cặp vệ tinh này phóng lên không gian từ tháng 3/2024, nhưng gặp sự cố và không thể tiến vào quỹ đạo ngược xa (DRO), quỹ đạo nằm trong vùng không gian Trái Đất - Mặt Trăng, như kế hoạch. Sau đó một tuần, cuộc giải cứu bắt đầu.

Hôm 18/3/2024, các chuyên gia thực hiện thao tác điều chỉnh đầu tiên, đốt cháy động cơ trong 1.200 giây để nâng viễn điểm - điểm xa Trái Đất nhất trong quỹ đạo của cặp vệ tinh - từ 134.000 km lên 240.000 km. Nỗ lực giải cứu kết thúc vào ngày 15/7/2024, khi các vệ tinh an toàn trên quỹ đạo chỉ định. Tính đến lúc này, chúng đã di chuyển khoảng 8,5 triệu km.

Theo Zhang Hao, chuyên gia phụ trách nhóm tìm ra lộ trình giải cứu cuối cùng: "Nếu các vệ tinh bị phá hủy, những năm nỗ lực của chúng tôi và số tiền đầu tư cho nhiệm vụ sẽ trở nên lãng phí. Đó cũng sẽ là cú sốc tinh thần với cả nhóm. May mắn là không phải vậy".

Mô phỏng cặp vệ tinh DRO-A, DRO-B được giải cứu của Trung Quốc. Ảnh: CSU

Kể lại quá trình giải cứu, đầu tiên, các chuyên gia đã điều tra tình trạng của cặp vệ tinh DRO-A, DRO-B. Khi được tìm thấy, chúng đang quay mất kiểm soát và ở gần Trái Đất hơn so với dự tính.

"Chúng tôi chia thành hai đội. Một đội điều khiển từ xa các động cơ đẩy của vệ tinh để làm chậm tốc độ quay. Đội còn lại, đội của tôi, tính toán lộ trình tốt nhất để đưa hai vệ tinh trở lại quỹ đạo", Zhang nói.

Việc tính toán quỹ đạo mới là một nhiệm vụ căng thẳng. Zhang thức hai đêm liên tiếp để tìm giải pháp. Cuối cùng, nhóm cũng tìm ra một số lộ trình khả thi và trình bày với trung tâm điều khiển nhiệm vụ.

Vì bị hư hỏng một phần trong quá trình phóng, cặp vệ tinh không thể hấp thụ đủ ánh sáng Mặt Trời để cung cấp năng lượng cho một cú xoay mạnh, đặt ra một thách thức khác cho công tác cứu hộ. Để giải quyết, nhóm chuyên gia tận dụng lực hấp dẫn của Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời như một chiếc súng cao su để "bắn" các vệ tinh đến đích.

"Nếu không muốn tiêu thụ nhiều năng lượng, bạn phải thay thế bằng thứ khác. Chúng tôi đã chọn tiêu tốn nhiều thời gian hơn để tiết kiệm năng lượng", nhà nghiên cứu Mao Xinyuan tại CSU giải thích. Đây là lý do cuộc giải cứu đáng lẽ chỉ mất vài ngày nhưng cuối cùng lại kéo dài đến 123 ngày.

Thao tác điều chỉnh đầu tiên rủi ro nhất. Thực hiện thao tác này mất chính xác 20 phút, hay 1.200 giây. "Tôi ngày càng căng thẳng khi đồng hồ đếm ngược. Tôi nhìn màn hình chằm chằm cho đến khi nó hiển thị 'bình thường'. Với những thao tác tiếp theo, tôi đã quen dần và không còn căng thẳng như vậy", Zhang chia sẻ.

Cụm 3 vệ tinh Trung Quốc hoạt động trong vùng không gian Trái Đất - Mặt Trăng. Ảnh: CSU/CAS

Hai vệ tinh được cứu mang ý nghĩa đặc biệt với chương trình không gian của Trung Quốc. Chúng phối hợp với DRO-L, vệ tinh được phóng trước đó, tạo thành một hệ thống phủ sóng khoảng 100 triệu km không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng, cung cấp dịch vụ điều hướng cho các phương tiện vũ trụ. Đây là hệ thống 3 vệ tinh đầu tiên trên thế giới ở quỹ đạo DRO.

"Chúng sẽ hoạt động như những ngọn hải đăng ngoài không gian. Khi chúng ở đúng vị trí, chúng tôi có thể định vị tàu vũ trụ chỉ trong 3 giờ, không như cách định vị truyền thống trên mặt đất, thường mất hai ngày hoặc hơn", Mao giải thích.

Cụm 3 vệ tinh này cũng giúp các tàu không chở người có thể tự lái. "Chúng tôi chỉ cần đưa ra vị trí chỉ định và tàu sẽ tự động tìm đường đến đích", Wang Wenbin, nhà nghiên cứu tại CSU, cho biết.

Hệ thống mới sẽ giúp Trung Quốc phóng và quản lý tàu vũ trụ ở vùng không gian rộng lớn giữa Trái Đất và Mặt Trăng, đặc biệt là trong DRO - quỹ đạo ổn định nơi tàu vũ trụ dễ vào, dễ duy trì và cũng dễ thoát ra. Wang cho biết, họ đang thảo luận với nhóm phụ trách chương trình không gian có phi hành đoàn của Trung Quốc để cung cấp dịch vụ điều hướng cho các nhiệm vụ Mặt Trăng trong tương lai.

Thu Thảo (Theo CGTN)

Tin liên quan
Tin Nổi bật